Chuyển đến nội dung chính

Học Vẽ Có Khó Không?

Một ngày, em gái cùng công ty gọi điện hỏi mình chỗ học vẽ. Mình hỏi lại người lớn hay trẻ em. Em nói người lớn, nghe em nói mình đoán đoán là em muốn đi học. Mình nói cho em chỗ học ở Hội Mỹ thuật, ở đây có lớp cho người lớn.

Học vẽ, không đơn giản là việc cầm cây bút chì hoặc cọ và vẽ những thứ mình thích. Nó đòi hỏi chúng ta một sự kiên trì, bền bỉ và tình yêu nghệ thuật dài lâu. Khi mình đi học ở hội, có 2 người khác cùng ghi danh với mình, một chị (gọi cho lịch sự chứ chắc ít tuổi hơn mình) ngay từ buổi đầu tiên đã muốn học vẽ sơn dầu khi chưa biết tý gì về hội họa. Chị ấy buổi đầu tiên đã tỏ ra chán rồi vì thầy chỉ cho vẽ mấy khối thạch cao hình vuông, trụ (cũng chả còn trắng trẻo gì vì bụi). Sau đó thì chị ấy nghỉ liền một mạch. Khi chị ấy lên lớp lại thì mình đã học đến bài vẽ hoa quả (quả khế và chùm nhãn). Chị ấy đi vòng quanh lớp học, chỗ nào cũng ngó nhưng cuối cùng cũng chả học gì và bảo với mình là thích học vẽ sơn dầu, để kinh doanh. Ô la la. Khoan nói đến kinh doanh, chất liệu sơn dầu rất khó và rất đắt tiền, vẽ hỏng là gần như không sửa được. Trước khi thực hành với chất liệu này, người học phải thành thạo chất liệu bột màu, trước khi thạo bột màu phải thạo màu nước, mà trước khi vẽ màu nước người học phải thành thạo trong việc thể hiện chất liệu, hình dáng và bố cục của mẫu qua bút chì. Mỗi giai đoạn mất khoảng 3-4 tháng làm việc chăm chỉ, trừ những người có năng khiếu nổi trội và ham thích môn vẽ hoặc đã có nhiều kiếp "tu luyện" về hội họa, kiếp này đã thành tài rồi thì học rất nhanh. Nhanh nhưng không có nghĩa là không cần học.

Có một bạn nam nữa thì học đến bài quả ổi thì nghỉ. Bạn vẽ đi vẽ lại hai ba lần đều không lên được hình, sau lần thứ 3 thì có vẻ nản. Có lần bạn nói với mình rằng em học chỉ để xem khả năng của em tới đâu thôi.
Thỉnh thoảng, trong lớp có những người mình mới gặp và đến cùng vẽ với mình, sự thật là họ đang học thì nghỉ, lên lớp được vài buổi lại nghỉ vài tháng. Có người vẽ rất tốt nhưng có lẽ tình yêu hội họa ở họ chưa thật nhiều.

Sau này khi đi học ở lớp thầy Tiến còn có một trường hợp như thế này, mẹ đến lớp vẽ để trông con. Con gái một, mẹ lại muộn con nên quý hơn kim cương, con đi đâu mẹ theo đó, học đến lớp 11 rồi nhưng không biết đi xe máy, cũng chẳng đi được xe đạp vì mẹ theo suốt. Con đi đến lớp học Toán thì mẹ ngồi ngoài cửa mấy tiếng đồng hồ vì thầy không cho vào lớp. Còn ở lớp vẽ này, thầy cũng thoải mái, cô ấy bảo thầy dạy luôn (con gái thì đã biết chút ít trong chương trình học), sau này thầy có nói với mình là cô ấy không có năng khiếu nên không học được. Mình thì cho là cô ấy chả có mục đích đúng khi học nên không học được. Có buổi mình học cùng thì thấy cô ấy vừa vẽ vừa nói chuyện với thầy, không tập trung. Mục đích của cô ấy là trông chừng cô con gái thôi.

Trong phòng làm việc của mình có bạn kiến trúc sư, hồi còn học ở Hội mình hay mang bài về hỏi bạn này vì thầy ở đây không giảng nhiều (thầy Tiến dạy thì mình khá hơn hẳn). Anh bạn này đã hý hoáy sơn dầu từ khi học lớp 7 vì là cháu của họa sĩ. Thỉnh thoảng hai chị em có nói chuyện về nghệ thuật và cả hai đều đồng ý rằng với hội họa, năng khiếu chiếm phần nhỏ trong thành công của người thể hiện, còn lại phần lớn là sự kiên trì và lòng say mê. Có những người có năng khiếu bẩm sinh nhưng hoàn toàn không thích theo đuổi môn vẽ. Nếu một người có năng khiếu về ca hát, có chất giọng tốt hoặc chỉ trên trung bình thôi thì dù không là ca sĩ họ cũng vẫn hát được trong các cuộc vui chơi nhỏ của lớp, của cơ quan... Nhưng vẽ thì khác, một người dù có năng khiếu vẽ thì cũng vẫn phải học mới có thể vẽ tốt được. Có năng khiếu, chỉ cần bỏ ra ít công sức, người đó sẽ thành công, còn nếu chỉ có chút ít khả năng thôi nhưng thật chăm chỉ thì cũng có những thành công nhất định.

Vẽ, đó là nghệ thuật tạo nên cái đẹp. Cần phải có cảm hứng và nhận ra cái đẹp ở những đồ vật hết sức bình thường xung quanh ta. Một cái ấm nhôm đối với mọi người chỉ là cái ấm đun nước thôi nhưng nếu học vẽ, ta sẽ thấy vẻ đẹp của chất liệu nhôm khi phản chiếu ánh sáng, của tay nắm có những vân gỗ đẹp mắt, độ nghiêng của ấm. Hay là khi vẽ đèn dầu cũng vậy, nó không còn là một cái đèn bình thường nữa mà khi để với cuốn sách, nó gợi nên một không gian hoài cổ, những kỷ niệm xưa cũ về một thời khó khăn. Hoặc khi vẽ cây cải thảo, từng nếp lá uốn và ẩn lẫn trong nhau thật mềm mại. Ngay cả viên gạch, chất liệu xù xì của nó cũng tạo nên vẻ đẹp, người vẽ phải thể hiện được vẻ đẹp đó, bề mặt ấy sẽ khác với bề mặt mịn màng hơn của khối thạch cao như thế nào... Tất cả, tất cả đều thật đẹp, cái đẹp của sự giản dị.

Học vẽ là như thế, không chỉ đơn giản là việc cầm cọ hay bút chì và vẽ những gì mình thích.

Blog Bichthuy309

Nhận xét

Min đã nói…
hay, cho mình hỏi là ở Hội Mỹ Thuật HCM có dạy vẽ màu nước ko

mình đã qua lớp luyện thi kiến trúc rồi nên đã biết cơ bản
Hạt Mưa đã nói…
Hi bạn, mình chỉ share bài này từ blog của chị Bích Thủy. Mình cũng yêu thích hội họa nhưng không hiểu nhiều về nó lắm. Hơn nữa mình lại đang ở Hà Nội cơ :)
Zorki đã nói…
Bạn nào cần học vẽ thì qua chỗ mình ở 52 Hàng Buồm, mình có lớp cho người lớn, bột màu - sơn dầu - lụa - sơn mài. Đt Hưng 0906283030 - Lụa 0904345338
Hạt Mưa đã nói…
Tiện đây bạn giới thiệu luôn cả lịch học các lớp, học phí...
trình độ đầu vào luôn nữa nhé :)

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tương Ớt Tự Chế [Công Thức Ma Bư ]

1. Mua 1kg ớt + 4 quả cà chua 2. Gừng, tỏi, giềng 3. Chút dấm gạo + đường + cà chua + vừng + dầu Ớt rửa sạch, tráng nước sôi nhé (tránh bị váng), bỏ hạt, ướp chút dấm cùng với Gừng, tỏi, giềng để 12 h Cà chua trụng qua nước sôi lọc bỏ bớt hạt Ớt ướp xong đem ra xay cùng cà chua, nêm chút đường + mật ong. Vừng sao thơm với chút dầu rồi xay nhỏ Trộn các loại với nhau cho lên chảo thật nóng đảo nhanh tay, đến khi bắt đầu sôi thì OK => Yêu cầu: Tương ớt sánh, không có nước càng tốt vì đây là loại dùng làm kim chi hoặc pha chế nước chấm đồ nướng rất ngon nhé http://mabufamily.wordpress.com/2014/01/10/tu-lam-tuong-ot/

Chế Độ Ăn Uống Cho Từng Thời Kỳ Mang Thai

Kinh nghiệm từ chị "Cô Giáo" trên webtretho: Các mẹ ơi đúng là cả thai kỳ mẹ chỉ nên lên từ 8-12 kg thôi. Con được tầm 2kg8-3kg2 là vừa rồi nên các mẹ đừng cố gắng tẩm bổ quá, sau lại khó xuống lắm. Mình lên tất cả là 13kg(nhưng nhìn không béo vì mình cao 1m67), sau khi sinh bé được 2 tháng mình xuống 11kg và duy trì luôn cho đến bây giờ. Mình được người bạn chỉ cho cách ăn uống khoa học theo từng giai đoạn của thai kỳ để con phát triển tốt mà mẹ không tăng cân nhiều. 3 tháng đầu: giai đoạn chủ yếu hình thành các ống thần kinh. Mẹ không cần lên cân hoặc chỉ lên 1-2kg => chỉ ăn uống bình thường và uống đủ các loại vitamin cần thiết. (Ở giai đoạn này tớ chỉ uống thêm sữa và uống vitamin) 3 tháng giữa: tập trung cho hệ xương. Mẹ phải bổ sung đủ canxi và protein. Nên lên khoảng 3-5kg. (Ở giai đoạn này tớ ăn ít cơm đi nhưng ăn rất nhiều thịt. Chủ yếu là thịt bò. Vẫn uống sữa giàu canxi, khoảng 1 lít/ngày) 3 tháng cuối: hoàn thiện các cơ quan và phát triển hệ cơ+mỡ. Mẹ ăn uống...